Trong hành trình lịch sử của dân tộc, có ba nền văn hóa khảo cổ được coi là ba cái nôi của văn minh cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là Văn hóa Đông Sơn (thế kỷ VII trước CN - thế kỷ I sau CN), Văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ X trước CN - cuối thế kỷ II sau CN) và Văn hóa Óc Eo (thế kỷ I - cuối thế kỷ VII sau CN). Ba nền văn hóa khảo cổ này đã hình thành nên “tam giác văn hóa” trong buổi đầu lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chủ nhân của ba nền văn hóa này đã sáng tạo nên những thành tựu rực rỡ trong các lĩnh vực: trồng trọt, đánh cá, làm muối, đúc đồng, làm đồ gốm, chế tác thủy tinh, làm đồ trang sức, cùng với những tập tục, tín ngưỡng độc đáo và bí ẩn, thu hút giới khảo cổ học trong và ngoài nước nghiên cứu và khám phá trong hơn một thế kỷ qua.